HÀ NỘI - Lượng điện tiêu thụ những ngày qua tăng đột biến khiến EVN phải cắt điện khẩn cấp ở một số nơi ở ngoại thành để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống.
Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, lượng điện tiêu thụ tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng hơn 22,5% so với tháng 4.
Theo Công ty Điện lực Chương Mỹ, địa bàn có một số khu vực bị cắt điện từ 8h sáng đến 24h, để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, một số khu vực phải ngừng giảm cung cấp điện (cắt điện) khẩn cấp.
Thời tiết nắng nóng bất thường, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, hệ thống điện miền Bắc thiếu nguồn dẫn tới nguy cơ gây sự cố, mất an toàn hệ thống lưới điện quốc gia.
Ngày 1/6, một số tổ máy điện than phía Bắc bị sự cố do vận hành cao liên tục trong thời tiết nóng gay gắt kéo dài, như Phả Lại 1, tổ máy 6 Phả Lại 2, tổ máy 2 Cẩm Phả, tổ máy 2 Mạo Khê và Thăng Long, tổ máy 1 Sơn Động. Việc này ảnh hưởng tới tình hình cung ứng điện.
Thủy điện là một trong số nguồn điện cung ứng điện chính nhưng tại miền Bắc, hiện 8 hồ có mức nước bằng và gần mực nước chết (mực nước trong hồ đủ khả năng vận hành phát điện). Một số hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đã có mực nước rất thấp và nguy cơ về mực nước chết nếu tình hình thủy văn không được cải thiện, như: Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Hủa Na, Thác Bà.
"Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo cung ứng điện, và mong nhận được sự chia sẻ từ khách hàng với những khó khăn hiện tại", đại diện EVN Hà Nội nói. Doanh nghiệp này cũng kêu gọi các cơ quan công sở, sản xuất tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng các thiết bị công suất lớn vào khung giờ cao điểm, 10h-14h và 20-23h hàng ngày.
Việc cắt điện khiến lịch sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do xảy ra giữa lúc Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng cao điểm của mùa hè, nhiệt độ cao nhất trong ngày chạm ngưỡng 39-40 độ C.
Theo lịch cắt điện hôm nay, huyện Thạch Thất chỉ có xã Thạch Hòa có kế hoạch cắt điện lúc 8-11h. Nhưng do quá tải, nhiều nơi khác trên địa bàn cũng bị mất điện đột xuất.
Anh Thành (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết 10h sáng nay một số hộ ở xã Cần Kiệm đột ngột mất điện, đến gần 15h vẫn chưa có trở lại. "Trưởng thôn nói do quá tải nên có thể mất đến tối, khoảng 20h mới có lại. Trẻ con nghỉ hè ở nhà, điện mất cả ngày vào đúng những ngày nắng nóng gay gắt, thật quá khổ", anh chia sẻ.
Anh Hòa (xã Văn Võ, Chương Mỹ) cho biết, hôm qua xã này mất điện từ 15h chiều đến 23h30 mới có trở lại. Tương tự, một số xã tại các huyện ngoại thành khác của Hà Nội như Hoài Đức, Thanh Oai cũng ghi nhận tình trạng bị cắt điện.
Không chỉ người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bị ảnh hưởng vì mất điện.
7h, hơn 30 nhân công của xưởng mây tre đan Nguyễn Trọng Nội ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ bắt đầu công việc để hoàn thành gấp 5 đơn hàng đồ gỗ nội thất đã được khách đặt từ trước. Khác với mọi hôm, sáng nay chủ xưởng tính toán huy động nhân công đến sớm để làm việc đến 11h30 vì điện sẽ cắt từ 12-15h cùng ngày. Nhưng tính toán của ông nhanh chóng bị phá sản khi hơn 9h, các tổ máy đột ngột dừng hoạt động, đi kiểm tra, nhân công thông báo mất điện.
Xưởng mây tre đan vắng lao động vì mất điện. Ảnh: Gia Chính
Chủ cơ sở sản xuất này cho biết đã phải hủy bốn đơn hàng, mỗi đơn hàng trị giá hơn 200 triệu đồng. Đồng thời, mất điện, hơn 30 công nhân cũng bị ảnh hưởng thu nhập, do xưởng này tính tiền công theo giờ làm việc thay vì theo ngày công, trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Cách Phú Nghĩa hơn 10 km là xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai cũng mất điện từ hơn 9h sáng. Xưởng nhôm kính của ông Phạm Thế Kỷ với máy cưa, máy cắt, máy khoan cũng không thể hoạt động vì không có điện. Ông Kỷ chia sẻ, các công trình xây dựng đến công đoạn lắp cửa kính thì hầu hết đang ở giai đoạn hoàn thiện nên rất quan trọng về mặt tiến độ để các gia chủ làm lễ lên nhà mới.
Kinh doanh hải sản, chị Trang (An Khánh, Hoài Đức) kể vì hôm qua mất điện từ 10h sáng tới 20h mới có lại, hệ thống tủ bảo quản không thể hoạt động, buộc chị phải rao xả giá rẻ số hải sản vừa nhập. Tương tự, quán cafe của anh Tùng (Hoài Đức) cũng phải nghỉ bán tới ngày thứ hai vì "nắng nóng, không có điều hòa, khách không thể ngồi".
Trước đó, theo dự báo của EVN, trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra và mực nước các hồ thuỷ điện khu vực giảm sâu, miền Bắc có nguy cơ thiếu 1.600-4.900 MW điện trong các tháng 5 và 6.
Tuy nhiên, tại báo cáo gửi EVN cuối tháng 5, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết hệ thống điện miền Bắc có thể thiếu khoảng 8.000 MW trong trường hợp cực đoan, tăng 60% so với dự báo trước đây. Vì thế, A0 đề xuất hiệu chỉnh bảng phân bổ ngừng giảm cấp điện cho các tổng công ty điện lực khi hệ thống điện quốc gia ở chế độ cực kỳ khẩn cấp. Cụ thể, A0 đề nghị tăng mức tối đa ngừng cấp điện của hệ thống điện quốc gia từ 8.000 MW lên 15.000 MW, tương đương mức giảm cung cấp điện của miền Bắc là 8.100 MW. Trong đó, mức giảm cấp điện lớn nhất của Hà Nội và TP HCM khoảng 4.100 MW.
Nguồn: https://vnexpress.net/nhieu-noi-cat-dien-khan-cap-vi-tieu-thu-tang-dot-bien-4612823.html