23/05/2023 | 05:58
EVN vay 100.000 tấn than để phát điện
Chia sẻ tại Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/5, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho hay, tập đoàn đang đối mặt vô vàn khó khăn. Tính đến ngày 21/5, tại khu vực miền Bắc, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém. Đến nay có 17/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, tần suất nước về nhiều hồ thấp nhất trong 100 năm qua.
Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, cá biệt một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.
Tăng cường áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng để hạn chế tối đa gián đoạn cung cấp điện. (Ảnh: Sưu tầm)
Theo ông Nhân, hàng loạt thuỷ điện và nhiệt điện cùng bị suy giảm công suất do thiếu nước, thiếu than kéo theo khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia chỉ còn khoảng 42.000 MW. Trong khi đó nắng nóng gay gắt trên toàn quốc khiến phụ tải toàn hệ thống điện ngày 19/5 đã tăng lên mức kỷ lục mới, 924 triệu kWh/ngày.
“Để đảm bảo cung ứng điện, tập đoàn đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu diesel và mazut. Hiện hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng. Dù Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã triệt để khai thác tiết kiệm thủy điện nhưng đến ngày 21/5 sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 2,91 tỷ kWh, thấp hơn 1,72 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Miền Bắc thấp hơn 1,033 tỷ kWh, miền Trung thấp hơn 435,6 triệu kWh, miền Nam thấp hơn 258 triệu kWh”, ông Nhân cho hay.
Theo Tổng giám đốc EVN, cho biết, những ngày qua, toàn ngành điện đã huy động hết công suất các nhà máy điện. Nhân viên ngành điện cũng ứng trực 24/7 để làm việc với các sở, ban, ngành địa phương, các khách hàng sử dụng điện để triển khai một loạt các giải pháp tiết kiệm điện.
Cụ thể, thực hiện vận động tiết kiệm điện tại trụ sở, cơ quan làm việc của các đơn vị (tiết kiệm 10). Tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (tiết kiệm 10%); chiếu sáng công cộng (tiết kiệm 50%); chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời (tiết kiệm 50%); các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (tiết kiệm 2%). Kết quả trung bình mỗi ngày các biện pháp trên đã góp phần giảm nhu cầu sử dụng điện khoảng hơn 5,9 triệu kWh/ngày. Trong đó riêng phần giảm chiếu sáng công cộng giúp tiết kiệm được 900 nghìn kWh/ngày.
Số liệu của EVN cũng cho thấy, tổng sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu than trong 4 tháng đầu 2023 đạt 40,0 tỷ kWh, chiếm 46,5% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống. Cùng với việc huy động tối đa. Tuy nhiên, công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu thực tế vận hành.
EVN đã có cuộc họp với TKV và Tổng công ty Đông Bắc nhằm đảm bảo thực hiện cung cấp than theo đúng hợp đồng đã ký kết, đồng thời tìm kiếm các giải pháp để bổ sung lượng cấp than cho sản xuất điện. EVN cũng đề nghị TKV, Đông Bắc giảm cấp than cho các hộ phụ tải khác để tăng lượng than cấp cho sản xuất điện trong quý II. Các hộ phụ tải khác sẽ được cấp than bù trong các tháng cuối năm.
Đặc biệt, để duy trì hoạt động các nhà máy nhiệt điện, EVN đã có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Duyên Hải 2 là Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (JVL) và Tổng thầu EPC dự án là China Huadian Engineering về việc vay 100.000 tấn than của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2. Số than này được để sử dụng cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 để sản xuất điện, với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trong tình hình cấp bách hiện nay.
Khẩn thiết kêu gọi tăng cường tiết kiệm điện
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện hệ thống lưới điện 110kV của thành phố về cơ bản đáp ứng được cho yêu cầu sử dụng điện. Những ngày qua, ngành điện đã phối hợp với UBND các quận, huyện chủ động tuyên truyền tiết kiệm điện với các đối tượng khách hàng sử dụng điện, điển hình như hệ thống chiếu sáng của Thành phố, các tòa nhà trụ sở của TP cũng như các quận, huyện, hệ thống chiếu sáng quảng cáo,…
Theo báo cáo của EVN Hà Nội, sản lượng điện tiết kiệm được hơn 3,95 triệu kWh. Tuy nhiên, việc ngừng giảm cung cấp điện đã dẫn đến những khó khăn nhất định cho cuộc sống sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh của người dân. Chính vì vậy, yêu cầu về sử dụng điện tiết kiệm đã trở nên cấp thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
Đại diện UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành quy định mới hướng dẫn về giá điện mặt trời tạo điều kiện nhằm thúc đẩy việc đầu tư và ứng dụng điện mặt trời mái nhà, kịp thời huy động các nguồn điện tại chỗ, nhằm giảm bớt áp lực lên hệ thống truyền tải và phân phối điện quốc gia.
Về giải pháp đảm bảo điện, lãnh đạo EVN cho biết, đã đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 7, thủy điện Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống.
Để giải bài toán thiếu điện, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, EVN cần đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp. Bộ cũng giao EVN phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc biểu đồ sử dụng điện của từng ngành, lĩnh vực, nhất là các hộ sử dụng điện lớn. Trong đó đặc biệt chú trọng tới hoạt động điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại.
Theo ông An, Bộ Công Thương cũng kêu gọi các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi tầng lớp nhân dân trên toàn quốc ủng hộ, chung tay chia sẻ khó khăn với ngành điện, tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn mùa khô.
Nguồn: https://tienphong.vn/bao-dong-khong-con-dien-du-phong-post1536569.tpo